Lượt sử truyền miệng thức uống Sài Thành
1. La-de Trái Thơm đi kèm một câu chuyện vui được truyền tụng về sau. Số là hãng muốn làm mới nhãn bia, và muốn đỡ chi phí nên chọn họa sĩ bổn xứ để vẽ. Nhãn mới có vẽ thêm vào nhãn Con Cọp hình bông houblon hay còn gọi là bông bia, được dùng để tạo vị đắng. Bông này còn tươi coi bộ giống bông atiso nhưng nhìn khô khác quá hay sao mà ông họa sĩ vẽ giống y trái thơm, rồi đem đi in cả lố lố. Khi nhãn in ra thì mới phát hiện hình trật lất, nhưng chẳng lẽ bỏ phí đi? Chữa cháy, hãng vẫn cho dán và nhét vào mỗi két một chai, đinh ninh dân nhậu đã dòm quen quá chai Con Cọp, xăm soi cái nhãn mà chi. Nhưng sự cố “chữa cháy” lại thành ra cái hay. Những người Hoa ở Chợ Lớn nhanh nhạy đánh hơi thấy cơ hội liền. Các chú đặt tên và tung tin nhãn la-de Trái Thơm là loại đặc biệt, mỗi két chỉ có một chai, ai mua nhiều thì tặng thêm chai Trái Thơm. Vậy là Trái Thơm đường đường được xếp vào ngôi vị “đàn anh”. Ngồi chung một mâm nhậu, người lớn hoặc uy tín luôn được dành cho chai này. Ôi! Trái thơm chỉ thơm tâm lý thôi cũng quá xá đã.
2. Người xưa có nói rằng: “Vô tửu bất thành lễ”. Hầu hết trong lễ nghi nào cũng có rượu, truyền thống đó kéo dài cho tới tận bây giờ. Trên bàn thờ lễ đường, bàn thờ gia đình... phải tôn kính rót rượu mời đất trời, thánh thần, ông bà tổ tiên, vong linh và cả âm binh thiên tướng rồi mới bắt đầu nghi lễ. Ngày xưa, trước khi xuất quân ra chiến trận, nghi lễ sẽ là tế rượu, thắng trận sẽ có lễ rượu khao quân. Trong nghi lễ đời thường, tôn kính, trân trọng rót rượu mời nhau, chúc tụng, rồi mới mở lời bắt đầu câu chuyện.
3. Cà phê “sanh sau đẻ muộn” khá lâu so với trà và rượu, vào thế kỷ thứ IX, đến nay chỉ độ hơn một ngàn năm thôi. Trước tiên “bà mụ đỡ đẻ” là... một đàn dê chứ không phải con người. Sự tình là vầy: Những người chăn dê nhận thấy một đàn dê ăn những trái chín đỏ của một loài cây có bông màu trắng, sau đó “tung tăng” chạy nhảy suốt cho tới đêm khuya. Một người ăn thử, người tỉnh táo ra, tan biến uể oải, lâng lâng muốn tung tăng như đàn dê. Họ thưa chuyện với những thầy tu trong vùng, những thầy tu ép lấy nước uống thử, quả là tỉnh táo hẳn như anh chàng chăn dê nọ, cầu nguyện suốt đêm không buồn ngủ. Vậy là từ đó họ lấy trái đó mà sử dụng. Chuyện xảy ra ở vùng đất Kaffa, Ethiopia, châu Phi. Và đó chính là cây cà phê ngày nay. Vậy vùng đất này là thủy tổ của cây cà phê, và dê để lại nhiều chuyện cho người đời, thêm chuyện này nữa thì quả là lợi hại. Nhớ người trồng cây ta nhớ luôn những “chàng” be he he...
Giá sản phẩm niêm yết của Truyện ngắn - Tản văn - Tạp Văn Sài Gòn, Chuyện Tập Tàng trên các sàn TMĐT đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Tuy nhiên tuỳ vào từng loại sản phẩm hoặc phương thức, địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, ...
Mức giá và các nhà cung cấp được liệt kê tại đây chỉ dùng để bạn tham khảo. Khi quyết định mua hàng bạn cần xem xét thêm về đánh giá của khách hàng tại shop đó. Sau cùng bạn chọn mua sản phẩm từ nhà cung cấp mà bạn cho là uy tín nhất với mức giá hợp lý nhất. Chúng tôi không trực tiếp bán hàng cũng như vận chuyển và không chịu bất kỳ trách nhiệm nào về quyết định mua hàng của bạn.